Trong thập kỷ qua, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã chứng kiến mức tăng trưởng lần lượt là 231% và 335%. Tuy nhiên một hình thức đầu tư khác còn chứng kiến mức tăng khủng khiếp hơn nữa chính là Bitcoin.
Bitcoin (BTC) là một đồng tiền điện tử (tiền mã hóa) đầu tiên và lớn nhất được tạo ra từ công nghệ Blockchain. Nó được sử dụng như một phương tiện thanh toán trực tuyến và có tính tiền tệ độc lập, không phụ thuộc vào Ngân hàng trung ương hay Chính phủ nào. Đây cũng là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới và đã mở ra con đường cho sự phát triển của thị trường crypto.
Bitcoin sử dụng mạng ngang hàng (peer-to-peer), cho phép người gửi giao dịch trực tiếp với người nhận mà không cần thông qua bên trung gian. Điều này giúp loại bỏ các khoản phí không cần thiết và làm cho mỗi giao dịch có phí rẻ hơn nhiều so với dịch vụ chuyển tiền quốc tế.
Để so sánh, nếu như đầu tư 1.000 USD vào Bitcoin - loại tiền điện tử lâu đời nhất và có giá trị nhất thế giới vào tháng 4 năm 2013, giá trị sẽ tăng lên khoảng 121.000 USD ở thời điểm hiện tại, tương đương với mức tăng 12.000%. Quy đổi ra tiền Việt, nếu bỏ 25 triệu đồng mua Bitcoin vào năm 2013, các nhà đầu tư sẽ nhận về 3,078 tỷ đồng vào tháng 4/2024.
Bitcoin đã phát triển từ một loại tiền số sang một dạng tài sản phổ biến trên toàn cầu với vốn hóa thị trường đạt hơn 1.200 tỷ USD. Mức định giá này đưa BTC trở thành công ty lớn thứ 8 thế giới.
Đồng kỹ thuật số này đã chứng kiến biết động giá mạnh nhất trong một thập kỷ qua. Bên cạnh những giai đoạn tăng “phi mã”, Bitcoin cũng đã chứng kiến nhiều giai đoạn sụt giảm với mức giảm trên 50%. Nhiều nhà phê bình đã không ngần ngại nói rằng, giá trị của Bitcoin sẽ sớm trở về con số 0. Tuy nhiên sau đó Bitcoin vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Diễn biến giá BTC trong 5 năm trở lại đây.
Biến động về giá khủng khiếp này ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi ngày càng nhiều người tìm hiểu về các đặc tính phi tập trung cũng như giới hạn nguồn cung cố định của đồng tiền số này. Đây là những đặc điểm hấp dẫn mà một loại tài sản tài chính cần có.
Sự tăng giá ngoạn mục của Bitcoin đã mở đường cho một hệ sinh thái dịch vụ tài chính hỗ trợ giao dịch một cách dễ dàng hơn. Đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phê duyệt các quỹ trao đổi giao ngay (ETF), ngay sau đó giá Bitcoin đã tăng 56%tính đến ngày 15/4. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các sản phẩm tài chính được quản lý này.
Dù chứng kiến mức tăng khủng khiếp như vậy, nhưng các chuyên gia về tài chính cho rằng sẽ thật “ngớ ngẩn” nếu kỳ vọng rằng 10 năm tới, giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng thêm 12.000%, tức 1 Bitcoin sẽ có giá gần 150.000 USD. Tổng GDP của toàn thế giới chỉ đạt hơn 100.000 tỷ USD vào năm 2023, bởi vậy giả thiết này dường như rất khó để xảy ra.
Giới hạn nguồn cung cố định của Bitcoin sẽ là yếu tố hấp dẫn nhất của đồng tiền kỹ thuật số này. Trên toàn cầu, tổng cung Bitcoin được giới hạn là 21.000.000 đồng BTC. Con số này không thể thay đổi bởi bất kỳ ai, kể cả người sáng lập là Satoshi Nakamoto. Tính đến tháng 4/2024, đã có khoảng 19.7 triệu BTC được khai thác và chỉ còn lại khoảng 1 triệu BTC chưa được đào.
Và sau đợt halving tới đây, tốc độ tăng trưởng nguồn cung của Bitcoin sẽ thấp hơn vàng. (halving là việc giảm định kỳ trợ cấp khối được cung cấp cho các thợ đào). Việc halving giúp đảm bảo rằng tài sản tiền mã hóa sẽ tuân theo tỷ lệ phát hành ổn định cho đến khi đạt được nguồn cung tối đa.
Khi nguồn cung của một loại hàng hóa nào đó càng thấp và tất cả những thứ khác không đổi, giá sẽ tăng khi mọi người cố gắng mua nhiều hơn. Bởi vậy các chuyên gia kỹ thuật cho rằng Bitcoin cũng sẽ diễn biến tương tự.
Nguồn cung Bitcoin cho thị trường phần lớn cũng phụ thuộc vào các công ty khai thác tiền điện tử, tuy nhiên những dữ liệu về hàng tồn kho và nguồn cung lại rất khan hiếm. Nếu các công ty khai thác bán lượng dự trữ của họ, điều đó có thể gây áp lực giảm giá.
Kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước, giá Bitcoin gần đây đã giảm xuống dưới 64.000 USD. Các nhà phân tích của JP Morgan cho biết trong tuần này họ kỳ vọng giá sẽ giảm hơn nữa sau đợt halving.
Lý do phổ biến nhất được đưa ra cho sự tăng giá đột biến trong năm nay là việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ phê duyệt quỹ ETF Bitcoin vào tháng 1 và kỳ vọng rằng các Ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất. Không có bằng chứng nào cho thấy các đợt halving trước đó là nguyên nhân thúc đẩy đợt tăng giá tiếp theo của bitcoin.
Các nhà giao dịch và thợ đào đã nghiên cứu về các đợt halving trước đây như sau: Khi đợt giảm nguồn cung cuối cùng xảy ra vào ngày 11 tháng 5 năm 2020, giá đã tăng khoảng 12% trong tuần tiếp theo và 659% trong 12 tháng tiếp theo.
Diễn biến giá Bitcoin sau đợt halving gần nhất. Đồ họa: Reuters .
Nhưng có nhiều lời giải thích cho sự phục hồi này – bao gồm chính sách tiền tệ lỏng lẻo và giãn cách do Covid-19 khiến các nhà đầu tư dư dả tiền mặt quan tâm hơn đến Bitcoin. Không có bằng chứng thực tế nào về việc đợt halving đó đã tác động đến giá của BTC.
Một đợt halving trước đó đã xảy ra vào tháng 7 năm 2016. Bitcoin đã tăng khoảng 1,3% trong tuần tiếp theo trước khi lao dốc vài tuần sau đó và tăng trở lại.
Rất khó để đánh giá và xác định những tác động của đợt giảm nguồn cung này đến giá của Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung, bởi vậy các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với loại tài sản ảo này.
Tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, Bitcoin (cũng như một số loại tiền ảo khác) không phải là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được pháp luật công nhận. Do đó, việc giao dịch đồng Bitcoin tại Việt Nam là không hợp pháp và tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện tại, chỉ có hai quốc gia trên thế giới tin rằng Bitcoin có thể là một loại tiền hợp pháp hợp pháp, đó là El Salvador và Cộng hòa Trung Phi. Quốc hội El Salvador đã thông qua một dự luật của Tổng thống Nayib Bukele vào năm 2021, chính thức tuyên bố rằng tiền điện tử sẽ trở thành một hình thức trao đổi giá trị hợp pháp. Cộng hòa Trung Phi đã chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán hợp pháp vào quý 2/2022, ngay sau quyết định của El Salvador.
Nguồn tin: vneconomy.vn
Ý kiến bạn đọc